Đàn hồi là một trong những tác phẩm quan trọng của trường phái Vị lai ở Ý, về một người cưỡi ngựa phi nước đại trong bối cảnh đô thị, thể hiện cảm giác chuyển động trên bề mặt hai chiều của bức tranh.
Theo Boccioni, cuộc sống thực được đặc trưng trên hết bởi sự chuyển động; và do đó, hội họa và điêu khắc theo trường phái Vị lai phải có khả năng nắm bắt được sự năng động của cơ thể. Hình ảnh người cưỡi và con ngựa được tích hợp thành một thể duy nhất, và chúng ta có thể phân biệt được hai cá thể nhờ những khối cơ và các chi di chuyển trong không gian.
Mối liên hệ với trường phái Lập thể là điều hiển nhiên, Boccioni biết điều đó, nhưng mục tiêu của ông thì khác. Hiểu một cách đơn giản, Lập thể thể hiện một vật thể đứng yên với nhiều góc nhìn cùng một lúc, khi người quan sát chuyển động xung quanh nó; trong khi Vị lai đại diện cho vật thể chuyển động, thể hiện khía cạnh năng động của nó đồng thời với người quan sát vẫn đứng yên.
Tiêu đề Đàn hồi đề cập đến một trong những đặc điểm cơ bản của chuyển động trong phong cách Boccioni. Trình tự bố cục tác phẩm được xây dựng theo các khối hình học thú vị. Ngay cả ở cấp độ màu sắc, tác phẩm phong phú với những vùng màu vàng, xanh lá cây, đỏ và xanh lam chiếm ưu thế.
Tác phẩm ngay lập tức thành công và trở thành một trong những dấu mốc của hội họa trường phái Vị lai. Đàn hồi hiện là một trong những kiệt tác được trưng bày tại Museo del 900, Milano.
Đàn hồi, 1912 – Umberto Boccioni
Sơn dầu trên canvas, 100 x 100 cm
Museo del 900, Milano