Dù trong kịch bản có một số tình huống nhạy cảm về cảm xúc tuổi vị thành niên cùng những cảnh nóng không được chấp nhận rộng rãi, bộ phim Malèna vẫn truyền tải thành công giá trị nhân văn sâu sắc trên nền một lịch sử đau thương của những năm 40 thế kỉ trước tại nước Ý.
Bộ phim được dựng lên trong bối cảnh vùng quê Castelcutò (không có thực) tại Sicilia giữa những năm xảy ra Thế chiến II. Tại đây, cậu nhóc mới lớn Renato Amoroso 13 tuổi đang sống cùng cha mẹ và các chị gái đã sa vào mê đắm nàng Maddalena Scordia mang biệt danh Malèna – người phụ nữ 30 tuổi đẹp nhất vùng với nét mặt và những đường cong hoàn hảo. Nàng chỉ sống một thân một mình, khi người chồng đã ra chiến trường. Hàng ngày, Renato đạp xe đến nơi ở của nàng để có thể vụng trộm lặng ngắm vẻ đẹp quyến rũ đó. Chẳng may cho nàng, chính sắc đẹp của nàng đã khiến nàng trở thành sự nguyền rủa trong con mắt người Sicilia: đó là ngọn nguồn của những thèm khát dục vọng từ mọi gã đàn ông, đồng nghĩa với cơn ghen điên đảo của những bà vợ ngồi lê đôi mách khi chồng mình sinh lòng ao ước tấm thân ngọc ngà đó.
Tuy nhiên tình yêu mà Renato giành cho nàng lại lớn lao và chân thành; nàng đã trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí cậu trẻ. Ở cái tuổi còn “con nít” đó, cậu không ngừng dõi theo từng bước chân của nàng với mong ước cháy bỏng được gần nàng. Trong khi đó, Malèna vẫn lặng thinh trước những lời lẽ độc địa xung quanh mình và sống cuộc sống ngày càng khó khăn, bởi để đảm bảo danh dự gia đình, người cha đã từ nàng và quay lưng lại với nàng.
Rồi tới một ngày tin dữ ập xuống đầu nàng: chồng nàng tử trận trong chiến tranh. Malèna giờ thành một quả phụ và không có người cha bên cạnh. Với một phụ nữ xinh đẹp nhường vậy, thiếu sự bảo vệ bao bọc từ một người đàn ông nghĩa là không tránh khỏi những cơn cuồng phong lời lẽ độc địa từ những mụ vợ hay ghen, bầu trời giông tố những đám mây cuồn cuộn ham muốn từ các lão chồng. Những cơn cuồng phong, những đám mây đen đó ngày càng dữ dội hơn, bởi người ta đã bị ám ảnh bởi định kiến rằng, khi một người phụ nữ đã trở nên góa bụa thì thân xác đó sẽ qua tay hàng loạt những gã đàn ông trong vùng. Malèna vẫn kiên tâm giữ gìn danh tiết của mình, nhưng một hôm đã bị một người đàn bà lớn tuổi đưa ra tòa với cáo buộc ngoại tình. Nàng thắng kiện, nhưng lại rơi vào cái bẫy tồi tệ: nàng đã bị chính gã luật sư đó cưỡng bức. Hắn cũng muốn được cưới nàng, nhưng bà mẹ đã hắn thẳng thừng đả kích vì bà không chịu có một đứa con dâu “đàng điếm”.
Không bạn bè, không một đồng xu dính túi (để có miếng ăn qua ngày, nàng đã phải bán đi mái tóc đen óng ả của mình), nàng đã đau đớn chịu đựng cho tới khi hiểu ra rằng phao cứu nạn duy nhất trong thời buổi chiến tranh chính là sắc đẹp của nàng. Nàng buộc phải thay đổi diện mạo và phong cách trong nỗi khổ sở dằn vặt (qua hình ảnh cái nhìn đẫm nước mắt của nàng khi châm một diếu thuốc trên quảng trường), với quyết định sẽ gắng sống sót bằng cách bán thân cho những gã nổi đình nổi đám nhất trong vùng. Và Renato không thể yên ổn trước cảnh đó, cậu tìm mọi cách bảo vệ nàng trước tất cả, nhưng đành bất lực và buông xuôi; những gì cậu có thể làm là cố mơ về nàng trong những đêm trằn trọc; lúc đó Malèna là nàng Jane của Tarzan, là Cleopatra huyền bí, là nhân vật của những bức tranh gợi tình.
Không lâu sau cục diện chiến tranh thay đổi, quân Đức tiến vào xâm chiếm Castelcutò. Trong vài tháng nàng cùng một cô ả lẳng lơ (trước đây cặp với một nam tước), đã trở thành người tình của tất cả bọn lính Đức. Nhưng đến năm 1943 khi lính Đức rút quân nhường chỗ cho lính Mỹ, số phận của nàng đã thay đổi: vốn dĩ ganh ghét căm thù nàng từ lâu, những người đàn bà trong vùng đã dùng “luật rừng” để xử nàng giữa thanh thiên bạch nhật, gọt trụi tóc nàng và xông vào đánh đập nàng dã man. Thân cô thế cô, trong tình trạng lê lết, nàng nhìn lũ đàn ông trong thành phố và bật lên tiếng hét bằng tất cả sức lực còn lại như muốn nói: “Trước kia các người khao khát ta, tỏ ra nâng niu ta nhưng sao giờ này không một ai trong các người dám ra tay bảo vệ ta?”
Đau đớn và tủi hổ, nàng lên tàu tới Messina để bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng một bất ngờ đã xảy ra: chồng nàng thực ra không chết và đã trở về thành phố với một cánh tay bị mất sau cơn bạo bệnh tại Ấn Độ. Không tìm thấy nàng, chồng nàng cũng chẳng được thiên hạ để yên. Anh bị tất cả dân trong vùng cùng những kẻ đạp đức giả một thời thèm khát và lường gạt vợ mình khi đang chiến đấu ở xa hắt hủi và xa lánh. Renato lúc đó trưởng thành hơn và cảm thương nỗi cô đơn của người đàn ông này, đã viết một lá thư nặc danh kể về điều xảy ra với nàng và cho biết nàng đã lên đường đi Messina.
Bộ phim kết thúc ở cảnh một năm sau, khi Renato, lúc đó đã trở thành một chàng trai trẻ có người yêu là cô bạn gái cùng tuổi, gặp Malèna và người chồng tay trong tay đi qua quảng trường. Renato nở một nụ cười nhẹ nhõm, bởi trong sự trở về của Malèna hiện lên khúc khải hoàn của tình yêu sau cuộc chiến và sau cái quá khứ dữ dội đã vây trùm lên nàng. Chồng nàng thực sự yêu nàng và không hề cảm thấy hổ thẹn khi đi bên nàng, vì hiểu rằng chính cuộc chiến đã xô đẩy cả hai đến những bước đường khó khăn như vậy. Cuối cùng Malèna cũng bình tâm và thanh thản đi giữa chợ, nơi những người đàn bà một thời khinh ghét và ganh tị với nàng, sau khoảnh khắc ngỡ ngàng đã mở lời chào nàng như một chiếc máy, có vẻ để đặt nền móng cho một mối quan hệ chân thực tối thiểu. Renato còn theo ngắm nàng về nhà với túi trái cây trĩu nặng.
“Cho đến lúc này” – Renato khi đã luống tuổi tự nhủ – “nàng là người phụ nữ duy nhất mà ta không bao giờ quên”.
Một số thông tin xung quanh bộ phim
- Chi phí làm phim: 20 triệu dollar.
- Phim được quay tại Siracura (Sicilia) và Al Jadida (Ma-rốc).
- Bộ phim đã gặt hái thành công lớn tại châu Âu và đưa hình ảnh của Monica Bellucci thành biểu tượng gợi cảm của thế giới.
- Tuy nhiên tại Mỹ nó lại không nổi tiếng, do qua nhiều cảnh quay nhạy cảm đã bị cắt bỏ theo luật lệ rất nghiêm khắc ở nước này.
- Với Malena, nhạc sỹ Ennio Morricone đã được đề cử giải Oscar lần thứ 5 cho Nhạc phim, nhưng cũng một lần nữa không giành được giải. Lajos Koltai cũng chịu chung số phận với đề cử Đạo diễn hình xuất sắc nhất. Trong cả hai giải này, chiến thắng đều thuộc về bộ phim Đài Loan “Ngọa hổ tàng long” của Lý An.
- Bài hát “Ma l’amore no” trong phim của D’Anzi – Galdieri (1942) do ca sỹ Lina Termini trình bày.
MALÈNA | |
Quốc gia | Italia / Mỹ |
Năm sản xuất | 2000 |
Độ dài | 109 phút |
Màu | Phim màu |
Âm thanh | Âm thanh nổi |
Thể loại | Tâm lý tình cảm |
Đạo diễn | Giuseppe Tornatore |
Kịch bản | Luciano Vincenzoni |
Dàn dựng | Giuseppe Tornatore |
Diễn viên chính |
|
Hình ảnh | Lajos Koltai |
Đạo cụ | Massimo Quaglia |
Hiệu ứng | David Bush |
Âm nhạc | Ennio Morricone |
Giải thưởng |
|
Luna