Bất chấp những xu hướng ẩm thực theo dòng thời gian, món ăn được người Ý yêu chuộng nhất vẫn luôn là pasta.
Mỗi vùng, đôi khi mỗi thành phố trong cùng một vùng, có những công thức khác nhau cho cùng một món, dù tinh tế hay đơn giản. Điều này không chỉ minh chứng sự gắn bó với truyền thống và tình yêu sâu sắc của người Ý dành cho vùng đất, mà còn phản ánh cách sử dụng thực phẩm đa dạng của họ. Các dân tộc và nền văn hóa khác nhau đến Ý qua nhiều thế kỷ như Hy Lạp, La Mã, Ả Rập, Longobardi, Bizantino, Tây Ban Nha, Pháp, Áo, Norman, chắc chắn đã để lại dấu ấn trong nghệ thuật ẩm thực Ý.
Vào giờ ăn trưa, hàng triệu người Ý cùng thực hiện một hoạt động: ngồi trước đĩa spaghetti, penne, rigatoni, tagliatelle… tỏa mùi thơm phức. Tình yêu với pasta kéo dài từ nhiều thế kỷ; thậm chí trước đây, trong những gia đình truyền thống, bà, dì hoặc mẹ là người dậy sớm để chuẩn bị nước, bột mì, chút muối, đôi khi cả trứng nữa, để nhào nặn thành món pasta. Giờ đây, thói quen này gần như biến mất và chỉ diễn ra trong một vài ngày lễ.
Từ thời xa xưa, người ta đã ăn món tương tự pasta, đó là lasagna của người Hy Lạp (laganon) và người La Mã (laganum). Dường như cũng không chính xác khi cho rằng Marco Polo (1254-1324) là người đầu tiên du nhập spaghetti từ Trung Quốc khi ông quay trở lại Venezia vào năm 1295.
Minh chứng cho việc ăn pasta ở Ý từ thời cổ xưa được kể rằng, trong đi chúc năm 1282, một quý ông người Genova để lại thùng macaroni trong tài sản thừa kế. Vì thế, ít nhất ở Liguria, macaroni hoặc maccheroni đã được biết đến quanh thời điểm đó. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là ở miền nam, đặc biệt là Napoli, sự kết hợp mì với cà chua đã làm nên pasta, nổi bật là spaghetti, thành một món ăn tuyệt hảo.
Ban đầu, giới bình dân ăn bốc bằng tay, chỉ có giới quý tộc mới dùng nĩa ba ngạnh, thế nhưng dụng cụ này không cho phép đưa mỳ Ý lên miệng một cách thoải mái. Theo một câu chuyện được lưu truyền, Vua Napoli Ferdinando II (1810-1859), đã yêu cầu quản gia Gennaro Spadaccini tìm ra giải pháp để ông có thể yên tâm ăn thứ mì “trơn tuột” này. Gennaro nảy ra ý tưởng vừa đơn giản vừa tài tình: chế ra chiếc nĩa có bốn ngạnh, mà ngày nay được sử dụng ở khắp mọi nơi!