Khi bọn trẻ lớn dần, thật chẳng may, chúng sẽ trở nên bớt ngố hơn, bớt ngây thơ hơn và không còn tin vào bà già Befana nữa (vì có ai đó cứ rỗi hơi đi buôn chuyện rằng cái vụ quà cáp trong chiếc tất cạnh giường đều do bố mẹ lo tuốt!)
Ai trong chúng ta cũng biết rằng nhân dịp lễ Giáng sinh, qua chuyến du hành trên chiếc xe trượt trang trí đẹp mắt được những chú tuần lộc kéo, ông già Noel sẽ đặt quà Giáng sinh dưới cây thông Noel của mỗi gia đình. Đó là một truyền thống tốt đẹp, nhưng không liên quan đến chuyện xảy ra ngày mồng 6 tháng 1.
Đêm giữa mồng 5 và mồng 6 tháng 1, Befana tới.
Befana là ai nhỉ? Là một bà già xấu xí, rách rưới và khó tính kinh khủng (nhưng theo kiểu khá là hài hước đấy!), vốn lúc nào cũng cưỡi một cây chổi lượn lờ trên trời. Bà già này, cũng giống ông già Noel, đến từng nhà để trao quà. Nhưng, có một cái nhưng!
Người nào có “lý lịch tốt” trong năm cũ thì buổi sáng hôm sau thức dậy sẽ thấy cạnh giường những món quà đẹp và thú vị được đựng trong một chiếc tất đã treo sẵn (để chờ được nhét đầy quà mà!)
Ngược lại, nếu năm cũ người đó cư xử không tốt thì he he, trong cái tất chỉ đầy là đầy những mẩu than!
Trong trường hợp người đó có bản chất bình thường, nghĩa là sống chẳng quá tốt cũng không hẳn là xấu, thì đầu tiên sẽ lôi được một mẩu than khá xinh từ trong tất (mẹ ơi, tiếp theo vẫn là than hay cái gì hay ho nữa đây?), khi luồn tay sâu hơn nữa, thì giữa những trái hồ đào, hai quả quýt, những chiếc kẹo và những thanh sô cô la, người đó cũng sẽ tìm được một gói quà thực sự!
Nhưng bà già Befana cũng “người” lắm nhé: bà ấy rất dễ bị dụ khị. Vì thế mà trong buổi tối ngày mồng 5, cách hay nhất là hãy để lại trên bàn ăn một đĩa mỳ ống và một bầu rượu trước khi đi ngủ – bà già Befana, khi đã có đồ ăn và thức uống, sẽ vui vẻ hơn và có lẽ cũng sẽ hào phóng hơn!
Khi bọn trẻ lớn dần, thật chẳng may, chúng sẽ trở nên bớt ngố hơn, bớt ngây thơ hơn và sẽ không còn tin vào bà già Befana nữa (vì có ai đó cứ rỗi hơi đi buôn chuyện rằng cái vụ quà cáp trong chiếc tất cạnh giường đều do bố mẹ lo hết!)
Truyền thuyết này (có lẽ được bịa ra bởi những vị phụ huynh muốn được tiếng là tốt bụng và hào phóng!) cần phải được “tháo mặt nạ”, vì với bọn trẻ con thì đừng có mà nói dối! Chính vì thế, chúng ta sẽ bắt đầu nói thật đây.
Ông già Noel không tồn tại. Nhưng bà già Befana thì… có đấy!
Xung quanh câu chuyện bà già Befana có rất nhiều truyền thống, cả bên Thiên chúa giáo và bên chống Thiên chúa giáo; chúng đan xen với nhau và biến đổi qua lại.
Mồng 6 tháng 1 trong truyền thống thiên chúa giáo là ngày Epifania, khi Chúa hài đồng ra mắt ba vị vua Magi tới thăm. “Epipaneia” trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “ra mắt”, và cái tên Befana bắt nguồn từ từ này.
Trên thực tế, trong truyền thống thiên chúa giáo xưa nhất, mồng 6 tháng 1 ứng với hai dịp quan trọng trong cuộc đời Chúa Gesu: đó là ngày thánh Giovanni Battista rửa tội cho Ngài và cũng là ngày Chúa Gesu ra phép màu đầu tiên – chuyển nước thành rượu vang.
Nhưng trong thời tiền Thiên chúa giáo, cũng có những lễ hội rất quan trọng vào tháng 1: người La Mã cổ ăn mừng những ngày đầu năm với các bữa tiệc tỏ lòng tôn kính Chúa Giano (Januarius – tháng 1 – bắt nguồn từ tên của vị thánh này) và bà Chúa Strenia (từ cái tên này lại nảy sinh ra từ “strenna” – nghĩa là quà Giáng sinh).
Khoảng thời gian giữa tháng 12 và tháng 1 được đặc biệt dành riêng cho nông nghiệp: hoàng đế Aureliano công bố ngày 25 tháng 12 là “lễ hội mặt trời” và trong 12 ngày (nghĩa là cho tới “đêm thứ 12” – mồng 6 tháng 1) một thân cây sồi sẽ được đốt liên tục và từ những viên than thu được (ồ, phải vậy, thế thì bà già Befana mới có than mà đem tặng), người ta sẽ có thể rút ra những điều ước tốt lành cho năm mới.
Người ta còn cho rằng trong 12 đêm trước mồng 6 tháng 1, nữ Chúa Diana cùng nhiều phụ nữ bay trên bầu trời làm đất đai thêm màu mỡ.
Trong truyền thống Thiên chúa giáo, hình ảnh phản Thiên chúa của Diana và những phụ nữ nọ bị quy thành phù thuỷ khủng khiếp và tàn ác; tuy nhiên một số tính cách tích cực vẫn được giữ lại.
Người ta bắt đầu nói đến lễ hội “Bà già Befana” từ thế kỷ XIII (đặc trưng là lửa trại, những điệu nhảy và các khúc hát). Trong thế kỉ XVI, các bà già Befana được tưởng tượng dưới nhiều hình dạng để doạ trẻ con; tới thế kỉ XVII số bà già Befana giảm xuống chỉ còn hai – một bà tốt bụng, một bà xấu tính. Chỉ gần đây người ta mới bắt đầu nói tới một bà già Befana duy nhất, nhưng mang tính cách của cả hai (thế mới có chuyện một bà già hay càu nhàu mang quà đến cho trẻ con nhưng lại không quên mang cả than nữa!) và bà già này cũng có mặt ở một số nước khác, với vài sự thay đổi nho nhỏ (như Frau Holle và Frau Berchta ở Đức).
Một trong những nguồn gốc mang tính nông nghiệp của Befana được minh chứng bởi những món quà đặc trưng – hồ đào và cam quýt. Cả than, như một món quà “tiêu cực”, cũng khiến người ta nghĩ đấy là truyền thống nông thôn.
Nhưng những điều nho nhỏ này chưa đủ để giải thích tất cả những nét hội tụ thành hình ảnh bà già Befana của chúng ta: có người còn nhắc đến mối quan hệ của bà với Santa Lucia, như một thánh ánh sáng, thánh soi rọi và thánh ban phước được đặc biệt tôn thờ ở Bắc Âu. Và chắc rằng những truyền thuyết phù thuỷ khác đến từ Scandinavi cũng góp phần tạo dựng nhân vật lạ thường này.
Ta cũng đừng quên những truyền thuyết có nguồn gốc Thiên chúa giáo gần đây: hình ảnh bà già Befana có thể được mô phỏng từ bà già nhỏ nhắn mà ba vị vua Magi đã nhờ chỉ đường để đến Betlehem, nơi họ muốn được gặp Chúa hài đồng. Bà già đã từ chối và ba vị vua phải tự tìm đường. Ngày hôm sau, hối tiếc đã bỏ lỡ cơ hội được thấy Chúa hài đồng, bà già nhỏ bé đã đi theo họ nhưng rốt cuộc vẫn không được thấy Chúa. Chính vì thế mà giờ đây bà già Befana phải tới từng gia đình để mang quà cho bọn trẻ.