“Con yêu cha như thịt yêu muối” – có lẽ nhiều người trong chúng ta đã đọc câu chuyện cổ tích về nàng công chúa nết na và thông minh đã bày tỏ tình yêu với người cha của mình qua cách ví von thịt với muối, nhưng không hẳn ai cũng biết nguồn gốc sâu xa của muối…
Muối là loại gia vị được sử dụng rộng rãi, hiện diện trong từng ngôi nhà, từng món ăn và giá lại rẻ. Nhưng không phải lúc nào việc sử dụng muối cũng phổ biến như vậy. Thời xa xưa, muối có giá thành rất cao bởi lượng cung không bao giờ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của con người, và chỉ có những dân tộc tiến bộ mới biết cách sản xuất ra nó. Đó là một tài sản đặc trưng hoá quá trình hình thành và phát triển của những nền văn minh lớn mọc lên dọc bờ Địa Trung Hải; trên thực tế, người Hy Lạp cổ tự hào về muối đến nỗi coi tất cả những ai không biết dùng muối là dân mọi rợ!
Người La Mã quý trọng muối hơn mọi dân tộc khác, minh chứng bằng điều một trong những con đường cổ nhất và nổi tiếng nhất mang tên Salaria (muối). Trên con đường nối Roma với biển Adriatico dọc theo phía đông và tây Italia, loại hàng hoá được luân chuyển nhiều nhất chính là muối. Người ta dùng muối để nêm, bảo quản thức ăn và chữa nhiều loại bệnh; nó cũng không thể thiếu trong các tục cúng tế và nghi lễ tôn giáo. Muối quý báu đến nỗi trong một thời gian dài, nó được dùng để trả công cho những người lính, vì thế ngày nay trong nhiều trường hợp tiền lương hàng tháng được gọi là salario (muối).
Suốt thời Trung Cổ, muối được coi là biểu tượng của sự thanh bạch và không thể bị vấy bẩn. Cho rằng muối là nỗi sợ hãi của quỷ sứ và phù thuỷ, người ta thường sử dụng nó trong các lễ trừ tà. Theo quan niệm cổ hủ với những ý nghĩa tượng trưng hình thành trong nhiều thế kỷ, muối bị đổ sẽ đem lại rủi ro, khổ đau và hận thù. Ngay cả thời nay, khi vô tình làm rơi muối trên bàn vào bữa tối, những vị khách mê tín sẽ nghĩ đến điều không may có thể xảy ra và theo truyền thống, cách “giải đen” duy nhất sẽ là nhặt một nhúm muối rơi bằng tay phải rồi tung nó qua vai trái. Có một cách giải thích cho hành động này: xưa kia, người sử dụng phải tính toán chặt chẽ mức chi tiêu của gia đình để có thể mua chút muối dùng, thế nên để khuyến khích thói quen tiết kiệm, hành động mê tín đó được sinh ra. Giờ đây, không nhiều người nói rằng họ tin vào điều đó, nhưng trên thực tế cũng không ít người đặc biệt chú ý khi dùng muối, nhất là lúc nó ở trên bàn ăn.
Muối cũng là một từ xuất hiện không ít lần trong ngôn ngữ của người Ý, thí dụ để chê một vật đắt quá, người ta bảo “prezzo salato” – “giá muối” hay để mỉa một người ngốc nghếch đần độn người ta nói “Ha poco sale nella zucca” – “Hắn có ít muối trong quả bí (trong đầu) quá!”
Photo: Ảnh chụp diêm dân làm muối ở Nha Trang, Khánh Hòa của tác giả Lý Hoàng Long