1564-1642
Sinh ra tại Pisa trong một gia đình gốc Firenze, ông được coi là cha đẻ của khoa học hiện đại. Đầu tiên, ông theo học ngành nhân văn theo ý muốn của gia đình. Sau đó, ông theo học ngành y nhưng không bị thu hút bởi lĩnh vực này và chuyển sang học các lớp toán và vật lý.
Năm 1587, ông có phát minh đầu tiên là cân thủy tĩnh nhằm xác định trọng lượng riêng của các vật thể. Sau khi được bổ nhiệm làm giảng viên Đại học Pisa, ông thực hiện những nghiên cứu quan trọng về cơ học, tập trung vào cơ chế vật rơi, tính đẳng thời của con lắc cho tới các bài luận về pháo đài quân sự.
Năm 1609, Galilei trình Tổng trấn và Đại hội đồng lập pháp Venezia một kính viễn vọng có khả năng nhìn rõ ràng những con tàu vừa mới xuất hiện ở đường chân trời.
Sau phát minh kính viễn vọng đầu tiên này, Galileo hoàn thiện nó bằng các mẫu mạnh hơn. Với những công cụ này, ông bắt đầu quan sát những ngôi sao và hành tinh và công bố chúng trong tác phẩm Sidereus Nuncius (Sứ giả sao). Cuốn sách này mô tả những ngọn núi trên Mặt trăng, những đốm đen trên Mặt trời và các vệ tinh của Sao Mộc, và còn có những bài viết ủng hộ Thuyết nhật tâm của Copernicus.
Năm 1632, Galileo xuất bản kiệt tác mang tên Cuộc đối thoại về hai hệ thống thế giới chính, thu thập tổng hợp những quan sát khoa học của ông, đồng thời so sánh tư tưởng Copernicus với tư tưởng Ptolemy. Cuốn sách này nhận được nhiều đồng thuận quan trọng nhưng cũng xung đột với những giáo huấn chính thức của Giáo hội.
Năm 1633, Galileo bị buộc tội theo dị giáo và phải đối mặt với Pháp đình tôn giáo, họ ép buộc ông phủ nhận sự ủng hộ Copernicus. Người ta kể rằng, Galileo già cả và yếu ớt đã chấp thuận từ bỏ Thuyết nhật tâm trong lời thì thầm:
Dù sao thì Trái đất vẫn quay
(Eppur si muove)